Đại Hội kỷ niệm 100 năm trường Trưng Vương-CA-9/2017

Bài NHƯ AN – Vien Dong Daily News

Tối Chủ Nhật, 17 tháng 9, 2017 vừa qua, gần 1,000 người đã tụ họp tại sảnh đường Pavillion của Irvine Hotel để cùng nhau ôn lại hành trình 100 năm của một ngôi trường công lập dành cho nữ sinh lớn nhất nhì Việt Nam mang tên hai vị nữ anh hùng đất Mê Linh: trường Trưng Vương.


Cảnh sân trường Trưng Vương: Câu chuyện dưới cờ với những lời nhắn nhủ của bà Tổng Giám Thị Nguyệt Minh

Tề tựu

Từ 5 giờ chiều, rất nhiều người đã có mặt tại bên ngoài sảnh đường, nơi có quầy bán giai phẩm Mê Linh kỷ niệm 100 năm, có một tấm phông vẽ thật đẹp hình ảnh cô gái Trưng Vương với chùm phượng đỏ, để tất cả có thể đứng trước chụp hình. Những tiếng cười , tiếng reo mừng rỡ vang lên khắp đây đó, những câu nói hớn hở, những nét mặt rạng rỡ khi gặp lại bạn bè từ lâu xa cách làm ấm lòng nhau. Cựu nữ sinh Trưng Vương từ khắp nơi trên thế giới đã tụ họp về đây, trước là gặp lại bạn cũ thầy xưa, sau là nhớ lại ngôi trường thân yêu, nơi bao kỷ niệm thời tuổi trẻ đã diễn ra.
Khi tất cả đã an vị trong sảnh đường, chương trình kỷ niệm 100 trường Trưng Vương đã bắt đầu thật long trọng. Rất nhiều cựu giáo sư đã hiện diện cùng chung vui với trò cũ.
Sau lễ chào cờ Mỹ và Việt Nam Cộng Hòa cùng một phút mặc niệm để nhớ tới những người đã khuất, bài Hiệu Đoàn Ca Trưng Nữ Vương đã được cất lên hào hùng sống động và trang nghiêm bởi toàn ban Chấp Hành và ban Cố Vấn của hội Cựu Nữ Sinh Trưng Vương.


Hiệu Đoàn Ca Trưng Nữ Vương

Lịch sử trường Trưng Vương

Lịch sử ngôi trường đã được đọc lên cùng với hình ảnh sinh hoạt của các nữ sinh Trưng Vương. Trường khởi đầu thật khiêm tốn với chỉ vài lớp học, và được gọi là Trường Nữ Trung Học, không có cả một cái tên riêng vì là trường nữ trung học duy nhất trên toàn quốc. Tuy nhiên vì trường nằm trên đường Đồng Khánh nên thường được gọi là Trường Đồng Khánh. Năm 1946 trường được đổi tên là Hai Bà Trưng và cũng phải nổi trôi theo vận nước đang lúc chiến tranh, tản cư rồi lại hồi cư về Hà Nội để cuối cùng có được một ngôi trường riêng với tên là Nữ Trung Học Trưng Vương năm 1948. Năm 1954, một lần nữa trường Trưng Vương cũng phải trôi nổi theo thời cuộc. Trường di cư vào Sài Gòn và phải học nhờ ở trường Gia Long vào giai đoạn đầu. Năm 1957, trường chính thức dọn về địa chỉ trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, nơi bao thế hệ nữ sinh đã miệt mài học tập để mong trở thành người hữu dụng cho xã hội.
Biết bao thầy cô và nhân viên điều hành trường đã góp công vào việc đào tạo những người con yêu của đất nước. Giờ đây các thầy cô có mặt hôm nay được giới thiệu và tri ân. Quang cảnh thật cảm động khi thấy các trò cũ vây quanh thầy cô của mình chụp hình lưu niệm và nói lên những lời quyến luyến.

Ban Hợp Xướng Trưng Vương với trường ca Hội Trùng Dương của Phạm Đình Chương

Sân trường Trưng Vương

Tiếp theo đó là một cảnh tượng thật đặc biệt diễn ra: cảnh sân trường Trưng Vương năm xưa và câu chuyện dưới cờ. Hơn bốn chục cựu nữ sinh đứng trên sân khấu trong đồng phục áo dài lam với phù hiệu trên thân áo cho thấy lại khung cảnh trường xưa vào ngày thứ Hai chào cờ và đứng nghe bà Tổng Giám Thị Nguyệt Minh nói về những hoạt động của trường cũng như nhắn nhủ những lời khuyên cho các nàng học trò nghịch ngợm. Những lời nhắn nhủ của bà Tổng Gíám Thị vang lên hôm nay làm gợi nhớ thật nhiều những ngày xưa thân ái cho tất cà các cựu nữ sinh. Sau đó các học sinh đã hát vang ca khúc Học Sinh Hành Khúc của nhạc sĩ Lê Thương, bài hát gửi gấm biết bao kỳ vọng vào những học trò: Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau…

Và một chương trình văn nghệ nhiều mầu sắc do chính các cựu nữ sinh cũng như các giọng hát tuyệt vời của các ca sĩ chuyên nghiệp đã đem đến một buổi tối thật ấm cúng cho tất cả.
Buổi Đại Hội khép lại trong niềm lưu luyến của tất cả mọi người. Hẹn gặp lại nhé!